Một con người với tầm nhìn vượt thời đại. Một trí tuệ “ngược dòng” táo bạo với cuộc đời để lại bao bài học cần suy ngẫm. Một con người suốt đời trăn trở, đau đáu với bát cơm của người nông dân. Thời gian hơn bốn thập niên trôi đi, những giá trị ảo đã bị lãng quên, những con người như ông và giá trị ông để lại như viên ngọc ngày càng ngời sáng. Đó là Kim Ngọc, bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, cha đẻ của "khoán hộ" của những năm 1967. Nhắc đến ông, quay lại bối cảnh thập kỷ 60 mô hình quản lý tập thể hoá nông nghiệp được sao chép từ của các nước XHCN lớn mạnh đi trước như Liên Xô, Trung Quốc đang là kiểu mẫu không thể bàn cãi đang được áp dụng ở miền Bắc. Nhiệm vụ chính của các địa phương miền Bắc trong thời kỳ này chỉ là vận hành triệt để mô hình này (không chỉ trong nông nghiệp và trên tất cả lĩnh vực khác), và cung cấp sức người sức của cho miền Nam. Mô hình chủ quan duy ý chí, không đặt con người lao động ở vị trí trung tâm đó đã triệt tiêu động lực lao động của họ. Năng suât nông nghiệp suy giảm, thói lười biếng và làm ăn gian trá tràn lan. Nạn đói giáp hạt đeo bám nông dân dai dẳng. Tuy nhiên hầu hết các cấp lãnh đạo đều cho rằng nguyên nhân là do hoành cảnh chiến tranh, trình độ nhận thức của người dân chưa theo kịp quan hệ sản xuất tiên tiến. Kim Ngọc là một nằm trong số rất ít con người khi đó dám có suy nghĩ khác. Xuất thân là người bần cố nông, đi theo cách mạng, sự gắn bó máu thịt với đồng ruộng, với người nông dân, cùng với tư duy độc lập táo bạo đã đưa ông không chỉ vượt qua vốn văn hoá lớp 6 của bản thân, mà còn vượt xa cả những giáo điều xa lạ được du nhập từ nước ngoài không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, nhưng lại đang được xem như chân lý bất di bất dịch. Nghị quyết 68 10/09/1966 về các mô hình khoán, mà sau này hay được gọi tắt là "khoán hộ", với nội dung cơ bản đưa hộ lao động trở thành đơn vị sản xuất chính đã đem lại sự đổi thay vượt bậc cho nông nghiệp Vĩnh Phúc. Nhưng số phận không bao giờ dễ dàng cho những con người “ngược dòng” táo bạo quá sớm. Chỉ sau vài vụ mùa kết quả, “khoán hộ” bị đình chỉ, Kim Ngọc phải kiểm điểm và viết bài báo tự nhận sai lầm về chủ trương của mình. Ông mất năm 1977, nhưng chưa bao giờ nghi ngờ về tính đúng đắn về chủ trương khoán, nỗi day dứt khi qua đời của ông chỉ là bao giờ nó được thừa nhận rộng rãi mang lại no ấm cho người dân. Năm 1981, ra đời chỉ thị khoán 100 và 22 năm sau (05/08/1988) nhiều điểm trong phát hiện quan trọng đó đã được thể hiện lại trong Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Chỉ 2 năm sau, Việt Nam thoát cảnh thiếu đói và trở thành nước xuất khẩu gạo.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về ông, nguồn chủ yếu từ các bài viết của nhà văn VÂN THẢO, có tham khảo thêm một số tư liệu khác. Bài giới thiệu, nội dung tóm tắt và tiêu đề do dichvusohoa.com đặt.
Bí thư Kim Ngọc -tên thật Kim Văn Nguộc (1917-1979) |
“ Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình.”
“Không thể bỏ khoán hộ. Phải tìm mọi cách duy trì dưới mọi hình thức khác nhau.”
1. Khoán cho hộ làm một khâu hoặc nhiều khâu sản xuất trong một thời gian dài;
2. Khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ;
3. Khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm;
4. Khoán trắng ruộng đất cho hộ - Hình thức khoán trắng đơn giản, dễ tính toán nên được nông dân hưởng ứng rầm rộ và tự nó đã thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Có thể nói khoán hộ là bước mở đầu cho một tư duy mới về quản lý kinh tế hợp tác xã.
Sáng kiến "khoán hộ" hay "Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã" năm 1966, đã dẫn đến "khoán 10" hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988", tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Nghị quyết 10 hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành Việt Nam đã âm thầm áp dụng khoán hộ của Kim Ngọc.
Thời gian biểu làm việc của Kim Ngọc:
1/3 thời gian dành cho việc đi thực tế ở các cơ sở;
1/3 thời gian dành cho việc đọc các loại sách báo, văn bản;
1/3 thời gian dành cho các cuộc hội họp.
"Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc.”
—Nguyễn Văn Linh
"Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân... Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”
—Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“Dù đã được minh định rõ ràng, nhưng nỗi đau mà ông Kim Ngọc và gia đình đã hứng chịu vẫn để lại trong lòng mọi người niềm xót xa chung. Bi kịch Kim Ngọc, do đó, không còn là bi kịch cá nhân nữa. Đó cũng là bi kịch của đất nước trong quá trình đổi mới. Hơn nữa, còn là một bài học phản diện của lịch sử. Bài học đó vẫn còn luôn mới mẻ và có ích về sự nhìn nhận và phát hiện những nhân tố mới, yếu tố tiến bộ luôn sinh sôi nảy nở trong quá trình đi lên của đất nước. ”
—Trần Minh - TUANVIETNAM.NET
“Bài học về khoán hộ ở Vĩnh Phú mãi còn giá trị, không phải ở cách cụ thể mà đồng chí Kim Ngọc giải quyết mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển. ”
— Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển
Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về công tác Vĩnh Phúc hoặc đi ngang qua đều vào nhà thắp hương cho Kim Ngọc. Các đoàn đại biểu ở các tỉnh, nhất là các tỉnh phía Nam, có nhiều cụ đảng viên cộng sản lão thành, khi thắp hương cho Kim Ngọc đã ứa nước mắt.
Năm 1995, ghi nhận những đóng góp công lao, trí tuệ của ông cho sự nghiệp đổi mới của cách mạng Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Kim Ngọc.
Năm 1996, hai ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông. Năm 2005, một trong những con đường đẹp nhất của thành phố Vĩnh Yên cũng được mang tên ông.
Năm 2004, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc của Đảng Cộng sản Việt Nam tặng gia đình ông bức tượng tạc bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng Kim Ngọc.
Năm 2009, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Năm 2009, Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bộ phim truyền hình 50 tập "Bí thư Tỉnh ủy" lấy nguyên mẫu cuộc đời ông.
Nguồn dẫn wikipedia.org
Kì I: Cuộc đời và sự nghiệp Kì II: Làm ăn như thế đói là phải Kì III: Một quyết định táo bạo Kì IV: Như lưỡi tầm sét Kì V: “Khoán chui” Kì VI: “Phục hồi khoán hộ” Kì VII: Tất cả là của dân Kì VIII: Tiễn đưa người ruột thịt Kì IX: “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc” Kì X: Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọcdichvusohoa