eService logo

TRUNG TÂM GIẢI PHÁP DỊCH VỤ SỐ

Giải pháp dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin

TIN TỨC

>Nhân vật và Sự kiện 

 Thứ hai 19:50 21/02/2011 GMT+7

Kim Ngọc - Một trí tuệ “ngược dòng” táo bạo-Kì X: Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc

Trong thời kỳ khó khăn những năm 60 - 70 thế kỷ trước, cách hành xử rất thoáng của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc - người nổi tiếng với những chính sách đi trước vượt rào với văn nghệ sĩ khiến người ta kinh ngạc để rồi kính phục. Ông làm mọi chuyện thật nhẹ nhõm, tự nhiên bởi ẩn phía sau là cái tình văn nghệ thấu hiểu, đậm đà.

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc

Chớ xúi người thò tay không bắt rắn

Các nhà văn Ngô Ngọc Bội và Nguyễn Hữu Nhàn là những người gắn bó với nông dân, đặc biệt là nông dân Vĩnh Phú xưa. Mỗi khi tôi có dịp nhắc đến Kim Ngọc các ông cũng đều ngậm ngùi ngồi lặng hồi cố những chuyện mình đã chứng.

Họ có hơn một lý do để yêu quí Kim Ngọc và chia sẻ những trăn trở, day dứt của ông.

Năm 1968, nhà văn Ngô Ngọc Bội chuyển về báo Văn Nghệ cũng là năm Kim Ngọc nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Khoảng hai năm sau, Ngô Ngọc Bội được lệnh tòa soạn về Vĩnh Phú viết tuyên truyền về HTX làm ăn giỏi...

Tài liệu ghi chép xong, đã được chủ nhiệm, chủ tịch, bí thư xã dẫn đi quành lên lộn xuống khắp các đồi trên ruộng dưới thực tế, hôm đó, hơn mười giờ trưa mùa hè, nhà văn họ Ngô ngồi cởi trần giữa trụ sở HTX vắng teo bóc khoai lang ăn chậm chuội và hí hoáy mấy chữ mở đầu bài ký tìm cảm hứng.

Bỗng thấy phía sau lưng mát hây hẩy, nhà văn quay lại thì thấy bí thư Kim Ngọc, áo trắng cộc tay, quần ka-ki xám, chân dép nhựa, nhưng bùn tươi còn lấm gót rửa chưa hết.

Nhà văn ấp úng đứng dậy chào, vì ngỡ ngàng hơn là vì ngại, vơ vội áo, cài lệch cả khuy. Kim Ngọc liền đưa tay chỉnh hộ.

- Cảm hứng dạt dào lắm à, nhà văn...

- Dạ... có thể nói đây là thành trì của CNXH, của miền Bắc XHCN...

- Nhà văn thuộc lòng các khẩu hiệu còn gì... Trưa nay trong bữa ăn ta sẽ bàn đến điều nhà văn định viết nhé.

Nhưng tới bữa, người ta bố trí nhà văn sơ tán chỗ khác để dùng cơm, còn trụ sở Ủy ban xã thì để bày cỗ tiếp riêng Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác. Sự vụ đã được điều chỉnh tức thì khi Bí thư lên tiếng hỏi về nhà văn Ngô Ngọc Bội.

Kim Ngọc tạ lỗi thay cấp dưới bằng một chén rượu đưa ngang trán uống trước nhà văn. Trầm ngâm, ông úp chén, nhíu mày:

- Ngày xưa tôi đi ở cho Đỗ Đình Đạo - địa chủ thì bóc lột thật, nhưng nhiều điều ở họ thì cũng thuộc về chúng ta - Những người Việt với những giá trị văn hoá lưu truyền bền vững ấy trọng hiền sỹ, trọng người tài, người làm ra chữ. Họ giữ nguyên tắc không làm nhục người có chữ và người có tài. Chúng ta chừng nào còn chưa trọng chữ thì không thể có CNXH...

Tháng tháng đón cô đầu về hát ở Tam Lộng (dinh cơ xưa của đại địa chủ Đỗ Đình Đạo, dưới chân núi Tam Đảo), ông Đạo phải phái hai cỗ xe đi hai nơi: ga Hương Canh và ga Vĩnh Yên. Đề phòng các ca nương, các cung văn mải vui, hứng lên có thể quá lên Vĩnh Yên hoặc xuống Hương Canh cũng không thể lỡ hẹn.

Ngoài tiền thù lao đã bao trọn tính trước, nhưng vào cuộc hát, gặp câu hay, ông thưởng nóng cả chục đồng bạc Đông Dương ngay trên chiếu. Mà các lão biết đấy, mỗi tháng tiền công tớ chưa được nổi đồng bạc...

Kim Ngọc hay dùng từ lão. Đây là cách gọi vừa đề cao, nhưng vừa thân mật với người đối thoại. Kết thúc bữa ăn, Kim Ngọc ngồi lại với Ngô Ngọc Bội và hỏi: - Thế nhà văn định viết điều gì ở đây? Có bí mật không? Lão kể cho tớ nghe qua... Ngô Ngọc Bội kể lể một thôi những ý tưởng rạo rực, phấn khích. Nghe xong Kim Ngọc ngồi lặng một lúc lâu mới thận trọng:

- Tôi bàn thêm chỉ có tính chất cho nhà văn tham khảo nhé. Mô hình đây mới đang thử nghiệm thôi, chúng ta dốc dồn tất cả những thứ tốt nhất trong cả tỉnh về đây ưu tiên cho địa bàn này. Từ cán bộ, chính sách, vật tư, phương tiện. Mười bát úp một thì làm gì không đầy không hay...

Nếu lão viết thì viết sao cho kheo khéo nhé, không khéo lại xúi người thò tay không bắt rắn...

Ngô Ngọc Bội ngần ngừ nghĩ suy hồi lâu mới tỉnh ra và quyết định gác bài ký lại về toà soạn tay không.

Nên kỷ luật bọn văn nghệ thế nào đây?

Mỗi khi có cớ nhắc đến Kim Ngọc, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn bao giờ cũng e hèm em hèm lấy đà, mắt như mở to hơn vì sự kinh ngạc, thán phục. Ông kể:

- Hồi đó tớ làm chân thường trực biên tập ở Hội VHNT Vĩnh Phú. Cơ quan Hội ở liền kề với Toà án tỉnh và Viện Kiểm sát tỉnh. Anh em hành nghề tư pháp vốn đứng đắn nghiêm túc nổi tiếng và cũng nổi tiếng nguyên tắc đến cứng nhắc.

Một bên thì giờ đến giờ về sít sịt chênh không quá mười phút. Một bên thì đầu bù tóc rối, thức khuya dậy sớm muộn lung tung. Đang đêm hứng lên thì đập niêu gõ chậu, búng đàn ghi-ta điện hát hò nhảy nhót với nhau. Đèn đuốc choang choang.

Chuyện đó được phản ánh hàng ngày lên cấp trên, cuối cùng tới tai Kim Ngọc. Nghe báo cáo Kim Ngọc chỉ gật gù, mà không nói gì. Người báo cáo nói xong đứng im chờ ý kiến Bí thư hồi lâu mà vẫn chỉ thấy ông lui cui sắp đặt tài liệu, bèn suốt ruột hỏi:

- Thưa đồng chí, nên kỷ luật bọn văn nghệ thế nào đây ạ ?

- A... à... cậu nói bọn là bọn nào? Chỉ có giặc mới gọi là bọn thôi. Anh em văn nghệ ăn đói mặc rét thế mà người ta còn hò còn hát được. Cậu mà như thế liệu có được như họ không. Đó là đặc trưng nghề nghiệp của họ. Chúng ta đã nghèo không lo cho họ tử tế, kỷ luật mấy người đấy thì lấy ai vẽ tranh áp phích, làm thơ viết văn, hát hò động viên phong trào đây?

- Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ - Nguyễn Hữu Nhàn dim mắt rùng mình như vẫn còn thấy chuyện cũ ùa về ám ảnh.

Hồi ấy, tôi vì nhà xa nên phải túc trực thường xuyên ở cơ quan. Việc tiếp khách của Hội nghiễm nhiên là phải gánh. Tiếp hai hôm bằng tiền cơ quan thì phải năm hôm phải ứng tiền túi. Tiếp khách hồi đó, ngay cả cơ quan cũng quan niệm, khách văn chương thì phải nhất thiết có chai cuốc lủi hay chai rượu Hương Hoa (sản phẩm của nhà máy đường Việt Trì nổi tiếng cả nước thời đó) thức nhắm chỉ lạc rang, đậu phụ, cá mắm khô, lòng lợn, lòng bò bán ế ngoài cửa hàng thực phẩm mà thôi.

Và, đã hai lần tôi bị dính vạ nghệ sỹ.

Lần thứ nhất là nhà thơ V.T. hiện giờ vẫn còn sống ở Hà Nội, một người chuyên làm thơ về đề tài công nhân, tương đối hay. Tôi được lệnh Chủ tịch Hội là phải tiếp cho trọng thị để ngày mai đưa V.T đi thực tế ở nhà máy Hoá chất, nhà máy Điện.

Hôm đó tôi tiếp thịnh tình, V.T có vẻ hơi say, đòi hút thuốc lá. Mặc dù đã khuya tôi vẫn phải chạy đi mua thuốc lá chịu ở quán ngoài quốc lộ 2 cách cơ quan hơn cây số, để anh ta ở nhà một mình.

Không ngờ, khi cầm bao thuốc lá về đến cổng cơ quan, không hiểu đã có chuyện gì xảy ra, đã nghe tiếng V.T đang ngồi vắt chân trên ghế đẩu, chõ mồm sang hai cơ quan láng giềng chửi bới oang oang.

Nhà thơ ta chửi nào là bọn hãnh tiến thích làm lãnh đạo, nào là bọn mặt sắt đen sì, bọn cơ hội vv...

Thậm chí anh ta còn công kích một số chính sách mới được ban hành lúc đó. Tôi quăng vội bao thuốc vào người anh ta, rồi áp vào bịt ngay miệng anh ta lại. Nhưng đang cơn nồng máu, V.T ngoặm luôn cho tôi một miếng vào bàn tay

. Nguyễn Hữu Nhàn cong cong ngón tay giơ lên trước mặt nhăn nhó như hãy còn đang đau đớn.

- Tức thì V.T quay lại chửi luôn cả tôi là loại nịnh bợ, liếm giày liếm ghế để ngoi lên đầu anh em văn nghệ Vĩnh Phú hiền lành chất phác. Phía cơ quan láng giềng lao xao, lố nhố bóng người. Có người cầm gậy, có người cầm dây thừng.

Điện thoại lại nối đến Bí thư Kim Ngọc. Người ta báo cáo có tên văn nghệ sỹ tóc dài chống Đảng, chống Nhà nước công khai thách thức chính thể. Ông hỏi sơ qua tình hình, rồi nhỏ nhẹ trả lời:

- Không phải ai nói ngược lại đường lối cũng là phản động. Sang bảo với Hội Văn nghệ kéo người say đó vào nhà bôi vôi vào gan bàn chân, đổ nước lá dong cho đẫy vào.

Nhà văn già thở hổn hển lau mồ hôi trán, khụt khịt mũi.

- Còn trận thứ hai do nhà văn H.T gây ra cũng bi hài không kém (Nhà văn H.T mất cách đây mươi năm). Tai nạn cũng do rượu gây ra.

Hôm đó cơ quan Văn nghệ có ba bốn anh em ở nhà. Nhà văn H.T xuống xe khách lúc xẩm tối. Rửa tay qua loa xong là đòi đi RTC (rượu thịt chó). Chúng tôi đành phải chiều.

Không ngờ anh em mới đầu còn ý tứ, nhưng sau rượu mềm môi, thức nhắm tốt thế là chẳng ai giữ được nữa. Tít cung thang cả làng. No say thì cũng phải về, cả bọn đi bộ, kéo nhau ngược dốc Sở Điện lực bây giờ. Bỗng nhà văn H.T dừng bước, xua tay ra hiệu mình cần đi tiểu.

Chúng tôi về đến nhà ngồi ê đít mà không thấy H.T đâu cả. Quay lại tìm, hò, gọi ầm ĩ mà không thấy tăm hơi. Chúng tôi chia nhau cầm gậy đi chọc các bụi cây ven đường, cũng không hé lộ manh mối gì.

Không ai dám ngủ, mà cũng không dám báo công an. Gà gật đợi sáng, thì lúc ấy phía cơ quan láng giềng hô hoán có kẻ trộm ăn cắp gà.

Họ đã bắt được kẻ trộm. Và kẻ trộm lại xưng là nhà văn. Láng giềng mời chúng tôi sang chứng kiến lập biên bản. Trời ạ, kẻ trộm là ai thì các vị đoán ra rồi.

Nhà văn ta đang run rẩy, mặt bạc phếch, quần áo dính toàn phân gà, lông gà, rơm nát... Người ta bắt gặp H.T nằm cuộn khoanh trong chuồng gà. Chúng tôi chỉ còn nước quỳ xuống xin lỗi và xin tha.

Cho đến bây giờ, tôi không hiểu bằng cách nào mà H.T lại vào chuồng gà khu tập thể có ba bốn con chó dữ mà không gây nên tiếng động nào. Người say rượu quả là có khả năng lạ kỳ.

Sự kiện lại đến ngay tai Bí thư Kim Ngọc. Phía cơ quan láng giềng lần này yêu cầu phải trừng phạt thoả đáng. Kẻ trộm đã bị tóm sống tại hiện trường gây án, không còn oong đơ chày cối cãi lý hoặc dựa dẫm cấp trên nữa. Bí thư Kim Ngọc nghe chuyện chỉ cười mủm mỉm, ý nhị:

- Hừ, nhiều khi đi cơ sở, anh em nó ép mình uống, lái xe nó cũng cao hứng uống theo dăm chén. Không ít lần nó lao xe cả xuống ruộng lúa của dân...

Người đến đòi xử lý triệt để thấy Bí thư đã tế nhị kể chuyện mình say thế này say thế kia. Nếu xử lý nhà văn H.T thì có khác gì xử lý Bí thư. Thế là lại tịt ngóp. Nhưng tôi biết Kim Ngọc nói vậy là để gián tiếp bênh anh em văn nghệ một cách khéo léo...

Đón tiếp nghệ sỹ tài danh phải có cách

Sờ cái cằm lởm chởm râu bạc, ườn người trên chiếc sô-pha giả da, Nguyễn Hữu Nhàn hình như lại có chuyện nữa về Bí thư Kim Ngọc:

- Chắc chắn, những năm 70 của thế kỷ trước, nếu không có sự nhận thức vượt tầm, và nhiệt tình ủng hộ của Kim Ngọc, thì không thể thành lập được Hội VHNT Vĩnh Phú.

Chính Kim Ngọc đã tạo dựng nhân sự và gần gũi sát sao, nên chỉ sau một năm thành lập, Hội VHNT Vĩnh Phú đã nổi tiếng cả nước vì chất lượng sáng tác và qui mô hoạt động.

Bản thân Chủ tịch Hội VHNT Trần Quốc Phi cũng tham gia sáng tác tích cực. Một không khí đồng thuận cởi mở giữa cơ quan tư tưởng đường lối và anh em văn nghệ sỹ...

Dạo đó tỉnh nào cũng có phong trào thi nhau mời những nhạc sỹ danh tiếng về thực tế ở địa phương mình, sau đó sáng tác giúp một vài ca khúc ngợi ca. Bí thư Kim Ngọc đã chỉ thị phải mời nhạc sỹ N.V.T về tỉnh. Và Hội VHNT đã mời được nhạc sỹ N.V.T.

Chúng tôi tiếp nhạc sỹ một bữa bên Hội VHNT sau đó đưa nhạc sỹ sang bên tỉnh để chờ gặp gỡ giao lưu.

Chẳng may, bữa đó cả Kim Ngọc lẫn Trần Quốc Phi đều đi họp ở Hà Nội. Anh em cán bộ văn phòng bên đó cứ chiếu theo tiêu chuẩn, báo suất ăn ba hào: Cơm độn mỳ khê khét đổ trong chậu sắt tráng men, rau muống luộc, chấm xì dầu chua, đậu phụ kho muối trắng, ớt xanh. Lại để nhạc sĩ một mình một mâm cơm tận góc nhà tối om. Nhạc sỹ sầm mặt đứng dậy bỏ ra ngoài phố mua bánh rán và trứng vịt luộc.

Cảm thấy bị xúc phạm, ông khăn gói ba lô bỏ ngay về Hà Nội trong ngày hôm đó.

Ông Kim Ngọc đi họp về biết chuyện, cứ ngồi lặng đi. Tưởng Kim Ngọc giận nhạc sỹ, ai đó trong văn phòng chêm chuyện:

- Tưởng văn nghệ sỹ thanh cao, hoá ra cũng tục ăn. Báo nghìn rưỡi chắc là có bài hát rồi...

- Đúng đấy, nếu như các anh báo ăn nghìn rưỡi thì đã có bài hát của N.V.T nghe rồi. Nhưng ở đây không phải là người ta tham ăn tục uống đâu. Người ta giận vì thái độ không trọng thị người ta, không đánh giá đúng đặc thù công việc của người ta.

Đón tiếp nghệ sỹ tài danh mà các anh đón tiếp như tá điền mùa giáp hạt... Mình đã không phải với người ta, đừng vội đổ tiếng xấu...

Sau sự vụ đó, ở Vĩnh Phú hễ có đoàn khách văn nghệ sỹ nào về thăm hoặc thực tế sáng tác thì đều được quan tâm đúng mực, lịch sự. Bí thư Kim Ngọc chỉ thị:

- Anh em văn nghệ về với tỉnh, không phải là để tìm miếng chín của chúng ta. Nhưng không vì thế mà chúng ta sơ lược trong mối quan hệ với anh em.

Khi anh em kết thúc đợt công tác, thì nên có một chút sản vật cây nhà lá vườn ở Vĩnh Phú làm quà cho mỗi người. Chè, măng khô, hoặc hồng hạc (loại hồng vỏ xanh ruột hồng chỉ mọc ở vùng đồi xung quanh ngã ba Bạch Hạc), nếu đang mùa...

Nhiều lần đi công tác qua ghé vào Văn phòng Hội, Kim Ngọc muốn nghe những ý kiến phản hồi chân thực từ anh em văn nghệ, nhưng tiếc thay, chúng tôi hồi ấy cũng chẳng mấy ai hiểu ông, nên đã quá giữ gìn. Mà với một người như ông thời gian thì không có nhiều...

Với họa sỹ Trần Đình Ninh (T.Đ.N) thì Bí thư Kim Ngọc là người thấu lý đạt tình.

Ông kể có lần nảy sinh ra chuyện là có một vài hoạ sỹ mới được bổ sung công tác từ Hà Nội đòi tiền nhuận bút sáng tác tranh cổ động và tiền làm lễ đài mít tinh. Ngày đó, các họa sỹ ở địa phương đang công tác trong cơ quan nhà nước, mặc nhiên không bao giờ được lĩnh nhuận bút dù có vẽ bao nhiêu tranh, kẻ bao nhiêu khẩu hiệu. Người ta quan niệm, đã ăn lương Nhà nước rồi.

Sự việc đùn đẩy đến họa sỹ TĐN, buộc lòng họa sỹ phải đứng ra đòi quyền lợi cho anh em. Nhưng cũng chẳng đến đâu, việc lại đến Bí thư Kim Ngọc.

Trước Kim Ngọc, họa sỹ TĐN nóng nảy;

- Trả nhuận bút cho các họa sỹ đã có Nghị định của Chính phủ. Các thày tu La Mã không những trả nhuận bút cho các họa sỹ mà còn bao cấp cho họ cả đời để sáng tác, không lẽ một tỉnh giàu đẹp lại quỵt tiền chất xám của các họa sỹ của họ...

Mấy cán bộ cấp dưới nhìn họa sỹ TĐN tức giận, lẩm bẩm: “Phải đuổi cổ ngay thằng cha họa sỹ tóc dài không biết sợ lãnh đạo...”.

Nhưng Bí thư Kim Ngọc điềm tĩnh kéo ghế mời họa sỹ TĐN ngồi, tự tay pha nước chè, bóc thuốc lá, mở hộp bánh qui Hương Thảo. Đợi họa sỹ bớt nóng, ông mới từ tốn:

- Thay mặt lãnh đạo, tôi xin nhận khuyết điểm với anh em họa sỹ. Để anh em phải đòi tiền thế này thì quả là không hay cho một tỉnh.

Theo chỉ thị của Kim Ngọc, người ta đã phải trả nhuận bút cho các họa sỹ vẽ panô, áp phích nhưng không phải bằng tiền mặt, mà bằng quạt tai voi Liên Xô, phích Trung Quốc, vải nilông...

Ít người thấu hiểu văn nghệ sĩ đến thế.

"Những người Việt với những giá trị văn hóa lưu truyền bền vững ấy trọng hiền sỹ, trọng người tài, người làm ra chữ. Họ giữ nguyên tắc không làm nhục người có chữ và người có tài. Chúng ta chừng nào còn chưa trọng chữ thì không thể có CNXH..."

“Anh em văn nghệ về với tỉnh, không phải là để tìm miếng chín của chúng ta. Nhưng không vì thế mà chúng ta sơ lược trong mối quan hệ với anh em. Khi anh em kết thúc đợt công tác, thì nên có một chút sản vật cây nhà lá vườn ở Vĩnh Phú làm quà cho mỗi người”.

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc

Nguyễn Tham Thiện Kế

[Trở về]

Ý kiến của bạn
 

Họ tên * Email 

Tiêu đề * Mã xác nhận *

Nội dung * (Không quá 100 ký tự, Tiếng Việt có dấu)

 

 

 

Tin tức khác

go to top