|
Nghị quyết 10 “lấy hộ làm đơn vị sản xuất tự chủ. Người nông dân được trao quyền tự chủ sản xuất, sử dụng ruộng đất lâu dài, tự do tiêu thụ sản phẩm...” (Trích văn kiện Đảng toàn tập, tập 49).
Như vậy chặng đường đi từ nghị quyết 68 của tỉnh Vĩnh Phúc đến nghị quyết 10 của Bộ Chính trị là 21 năm 7 tháng. Trong thời gian đó, ông Nguyễn Văn Tôn - nguyên trưởng ban nông nghiệp Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - kể: “Khi trung ương bảo ngưng “khoán hộ”, yêu cầu sửa chữa, tỉnh ủy và huyện ủy thành lập các tổ xuống các hợp tác xã phổ biến chỉ thị của trung ương, đề ra phương châm sửa chữa, quy định thời gian đâu vào đó. Nhưng đã qua mấy năm nhận thấy lợi ích to lớn của “khoán hộ” nên chẳng mấy hợp tác xã chịu sửa chữa. Vì vậy họ tìm mọi cách duy trì “khoán hộ”.
Khi biết tôi về Vĩnh Phúc mấy tháng tìm hiểu cuộc đời của ông Kim Ngọc và công trình “khoán hộ” của ông để viết kịch bản phim Bí thư tỉnh ủy, nhiều người đã đặt cho tôi hàng loạt câu hỏi: “Khoán hộ” phục hồi, ông Kim Ngọc đã được thưởng huân chương nào cho công trình “khoán hộ” của ông? Nghe nói ông bị kỷ luật mất chức bí thư, có đúng vậy không?... Tôi đã trả lời họ rằng ông Kim Ngọc có làm bản kiểm điểm đọc trước tỉnh ủy nhưng ông chưa hề bị một hình thức kỷ luật nào.
Sau ngày “khoán hộ” bị phê phán và ngưng, ông Kim Ngọc vẫn tiếp tục được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú đến mấy nhiệm kỳ liền cho đến khi ông xin rút lui lúc đã đến tuổi nghỉ hưu. Lần bầu nào ông cũng đạt được số phiếu bầu cao.
Trong tờ trình, UBND tỉnh Vĩnh Phú đánh giá công lao của ông: “Công tích nổi bật của đồng chí Kim Ngọc là sớm nhìn nhận rõ vị trí, ý nghĩa và động lực của kinh tế hộ gia đình trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ cơ sở lý luận khoa học được hình thành trong quá trình nghiên cứu và những kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn ngay từ những năm 1966-1968, đồng chí Kim Ngọc đã chủ trương thực hiện đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp với nhiều biện pháp và hình thức phong phú. Tuy lúc đó cơ chế quản lý do đồng chí Kim Ngọc khởi xướng chưa có điều kiện khẳng định và tiếp tục thực hiện nhưng đã đi vào lòng người nông dân Vĩnh Phú”.
Tờ trình còn nói rõ: “Quá trình thực hiện chỉ thị 100 và nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, nội dung có nhiều điểm trong cơ chế quản lý và biện pháp khoán của đồng chí Kim Ngọc trước đây được trùng hợp“, “Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phú đánh giá chủ trương đổi mới cơ chế quản lý và biện pháp khoán trong nông nghiệp của đồng chí Kim Ngọc 25 năm trước đây là một công trình nghiên cứu về khoa học quản lý có giá trị kinh tế - xã hội, góp phần mở đường cho sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phú nói riêng và cả nước nói chung có bước phát triển nhanh“ (tờ trình số 179/TĐKT của UBND tỉnh Vĩnh Phú).
Năm 1995, ông Kim Ngọc được truy tặng Huân chương Độc lập. Cuối tháng 3-2009, anh Kim Nam - con trai ông Kim Ngọc, hiện là giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc - báo tin cho tôi biết ông Kim Ngọc vừa được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Như bản tường trình của UBND tỉnh Vĩnh Phú có ghi: “Quá trình thực hiện chỉ thị 100 và nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, nội dung có nhiều điểm trong cơ chế quản lý và biện pháp khoán của đồng chí Kim Ngọc trước đây được trùng hợp”, điểm trùng hợp cơ bản nhất có thể nhận thấy là: hộ nông dân là chủ thể của đơn vị sản xuất nông nghiệp, lấy hộ làm đơn vị sản xuất, người nông dân được trao quyền tự chủ sản xuất. Đây chính là điểm ông Kim Ngọc bị phê phán trước đây.
Tất nhiên ở cương vị bí thư tỉnh ủy, ông Kim Ngọc không có quyền giao đất lâu dài cho nông dân mà chỉ giao thời hạn ngắn trong từng thời vụ, cũng không thể công khai cho nông dân tự do tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra trong bối cảnh chính sách bế quan tỏa cảng, không cho lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền đang thực hiện nghiêm ngặt. Nghị quyết 10 đã cho phép nông dân sử dụng ruộng đất và phương tiện sản xuất lâu dài, được chủ động trong việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Tôi tin chắc giờ đây dưới suối vàng ông Kim Ngọc mãn nguyện những gì mình đã làm được cho người nông dân. Còn công - tội đối với ông chỉ là chuyện nhỏ, bởi ông đã có một phần thưởng to lớn khác, đó là lòng tin yêu, kính trọng của người dân Vĩnh Phúc. Phần thưởng ấy chắc chắn còn lưu truyền mãi cho nhiều thế hệ.
Ngoài những người trong gia đình, ông Kim Ngọc thường gắn bó với một người, đó là ông Nguyễn Thành Tô, thư ký riêng đồng thời là thầy giáo dạy văn hóa và ngoại ngữ cho ông. Ông Tô năm nay đã ngoài 65 tuổi, nghỉ hưu trên năm năm, vốn là một giáo viên cấp II, dạy môn tiếng Nga.
Ông Tô kể: “Dạo đó có một số chuyên gia Liên Xô về giúp tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Nông trường Tam Đảo và công trình thủy lợi Đại Lải. Anh Ngọc muốn học tiếng Nga để giao tiếp với các chuyên gia Liên Xô. Tôi nói học tiếng Nga rất khó, anh Ngọc nói làm cách mạng vừa khó vừa hi sinh đến tính mạng mà còn làm được huống gì học ngoại ngữ. Thật khó tin, anh Ngọc học và nắm bài rất nhanh”.
Trước ngày không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, việc học tập văn hóa và ngoại ngữ của ông Kim Ngọc có giờ giấc đàng hoàng. Nhưng sau này ông chỉ học tranh thủ vì hết đến trận địa cao xạ của bộ đội lại đi về các hợp tác xã. Có đêm cơ quan đã tắt đèn đi ngủ, ông còn ngồi một mình ở phòng làm việc để làm bài.
“Ông Kim Ngọc rất chịu khó nghe dân nói, thấy hay là học. Tôi nhớ có lần đi xuống hợp tác xã, ngồi cùng xe có một bí thư huyện ủy. Trên đường đi anh Ngọc nói: Địa chủ bóc lột nông dân là một tội ác nên tiêu diệt giai cấp địa chủ là đúng, nhưng cũng phải học tập cách quản lý lao động của họ. Không cần đánh kẻng, cũng chẳng cần chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đội trưởng sản xuất, chỉ có vài anh quản lý mà công việc đâu vào đó.
Riêng chuyện giữa buổi cày họ cho gánh ra một gánh khoai hoặc sắn cùng nồi chè xanh rất ngon cho thợ cày, thợ cấy ăn thì rõ ràng đây là một tính toán quá giỏi. Cày cấy đang mệt và đói, được mấy củ khoai và bát nước chè vào bụng thì khỏe lại ngay, năng suất lao động tăng lên giống như khi mới bắt đầu làm.
Đồng chí bí thư huyện ủy bảo: Bí thư khen địa chủ không sợ mất lập trường à? Anh Ngọc nói luôn: Cái hay cái tốt làm gì có tính giai cấp. Nếu sợ mất lập trường mà không tiếp thu kiến thức của họ thì suốt đời chỉ sống trong mông muội. Không những chịu khó thu nạp kiến thức qua cuộc sống mà thấy điều gì hay là anh Ngọc ứng dụng ngay vào công việc. Tôi làm thầy dạy văn hóa và ngoại ngữ cho anh Ngọc, còn anh Ngọc là người thầy lớn đối với tôi trong nhân cách, trong công việc”.
Kì I: Cuộc đời và sự nghiệp Kì II: Làm ăn như thế đói là phải Kì III: Một quyết định táo bạo Kì IV: Như lưỡi tầm sét Kì V: “Khoán chui” Kì VI: “Phục hồi khoán hộ” Kì VII: Tất cả là của dân Kì VIII: Tiễn đưa người ruột thịt Kì IX: “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc” Kì X: Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc
Vân Thảo