eService logo

TRUNG TÂM GIẢI PHÁP DỊCH VỤ SỐ

Giải pháp dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin

TIN TỨC

>Nhân vật và Sự kiện 

 Thứ bảy 15:11 19/02/2011 GMT+7

Kim Ngọc - Một trí tuệ “ngược dòng” táo bạo-Kì III: Một quyết định táo bạo

Ở cương vị ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trưởng ban nông nghiệp tỉnh ủy và cũng là người được ông Kim Ngọc phân công đi khảo sát tình hình các hợp tác xã, đồng thời là người tham gia soạn thảo nghị quyết 68 và sau đó được ông Kim Ngọc giao cho trực tiếp soạn thảo “Kế hoạch tiến hành khoán việc cho lao động, cho hộ, cho nhóm trong hợp tác xã nông nghiệp”.

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc
Ông Nguyễn Văn Tôn là người biết rõ tất cả diễn biến trước và sau ngày diễn ra “khoán hộ”. Ông Tôn nói: “Ra một nghị quyết thay đổi cả một phương thức sản xuất đã trở thành nguyên tắc, điều lệ chẳng khác gì bắn phát đại bác công phá thành trì của chủ nghĩa giáo điều và bảo thủ. Phải táo bạo, dũng cảm lắm mới dám nổ súng. Và người dám làm việc ấy là ông Kim Ngọc”.

Kim Ngọc và thủ tướng Phạm Văn Đồng
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng (giữa) lên thăm và làm việc năm 1967, sau “khoán hộ” một năm ở Vĩnh Phúc. Ông Kim Ngọc (bìa trái) và trưởng ban công tác nông thôn Nguyễn Văn Tôn (bìa phải) báo cáo Thủ tướng về tình hình đồng ruộng - Ảnh tư liệu

Nghị quyết khoán hộ

Ông Tôn nhớ lại khi ý định “khoán hộ” mới manh nha chứ chưa thành văn bản, ngay trong nội bộ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có người nói: “Thà đói chứ không làm trái với chủ nghĩa Mác - Lênin, không đi ngược lại con đường chủ nghĩa xã hội”. Trong thời gian này đã có một vài hợp tác xã nông nghiệp như Hòa Loan, Văn Quán, Tiên Hường… mạnh dạn tổ chức khoán việc cho nhóm, từng lao động và khoán cho hộ trong từng khâu công việc. Tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng đã hé ra tia sáng ở cuối đường hầm cho cách làm ăn của hợp tác xã nông nghiệp ngày ấy.

Với nhãn quan nhạy cảm, ông Kim Ngọc đã nhìn thấy hướng đi cho hợp tác xã qua việc thay đổi cách khoán của các hợp tác xã nói trên. Việc thường xuyên gặp gỡ trao đổi với nông dân, cộng với khảo sát của số cán bộ trong cơ quan được cử đến các hợp tác xã, ông Kim Ngọc rút ra được những kết luận hết sức quan trọng.

Trước hết tuy có hàng vạn thanh niên vào bộ đội nhìn chung lao động ở nông thôn còn khá dồi dào, nhưng do không quản lý tốt, sử dụng không hợp lý nên để lãng phí một lực lượng lao động đáng kể. Kết luận thứ hai: khi xây dựng hợp tác xã, người ta coi hộ là yếu tố cơ bản để tính quy mô hợp tác xã, phân bố tư liệu sản xuất, giao chỉ tiêu sản xuất kinh doanh…

Nhưng trong quá trình sản xuất lại tách hộ khỏi tư liệu sản xuất cơ bản nhất, do vậy đã triệt tiêu động lực của sự phát triển nên sản xuất kém hiệu quả. Đây là một kết luận cực kỳ quan trọng. Ông Lê Bùi, nguyên thường vụ tỉnh ủy, nói: “Kết luận này làm thay đổi tư duy khi nhìn nhận và đánh giá lại cơ chế của hợp tác xã. Nó mở đầu cho một tư duy mới, thừa nhận vai trò của hộ trong quá trình sản xuất”.

Ông Tôn nhớ lại: “Sau khi có những kết luận hết sức cơ bản về nguyên nhân yếu kém của hợp tác xã nông nghiệp, ông Kim Ngọc thay mặt ban thường vụ giao cho ban nông nghiệp soạn thảo một nghị quyết về quản lý lao động. Sau khi soạn thảo xong đem lên thông qua thì ban thường vụ đánh giá hướng đi là đúng nhưng chưa có tính thuyết phục. Tỉnh ủy giao cho ban nông nghiệp tiến hành làm khoán thử ở một hợp tác xã nào đó, lấy kết quả để bổ sung hoàn chỉnh nghị quyết”.

Chấp hành ý kiến của thường vụ, ông Tôn tổ chức một tổ công tác xuống hợp tác xã thôn Thượng, xã Tuân Chính làm thí điểm, giao khoán công việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ thực hiện trong vụ mùa 1966. Mặc dù có những ý kiến trái ngược nhau nhưng cuối cùng tỉnh ủy cũng thông qua nghị quyết “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong các hợp tác xã hiện nay”.

Nghị quyết mang số 68 do ông Trần Quốc Phi, phó bí thư tỉnh ủy, trưởng ban công tác nông thôn, ký. Sau này bà con nông dân thường gọi tắt là nghị quyết 68 hoặc là nghị quyết khoán hộ.

“Cải tử hoàn sinh”

Ông Sen ở thôn Đại Phúc, xã Đạo Đức, nguyên là chủ nhiệm hợp tác xã thời kỳ “khoán hộ”, năm nay đã 81 tuổi, kể hôm ấy ông đang gặt cùng bà con xã viên ở ngoài đồng thì ông Kim Ngọc đi ra, cầm lên mấy bông lúa lần đếm từng hạt rồi đưa cho ông Sen, bảo đếm xem mỗi bông được bao nhiêu hạt chắc. Cả thảy 13 hạt chắc! Ông Kim Ngọc thở dài: “Hai bông lúa mà chỉ có 13 hạt xát được thành gạo làm sao mà sống nổi cho đến vụ mùa tới. Theo ông, có cách gì phá được tình trạng này không?”.

Ông Sen mạnh dạn thưa: “Chỉ có cách là bỏ lối khoán không hợp lý hiện nay để thay vào đó lối khoán khác tốt hơn”. Nghe ông Sen nói vậy mắt ông Kim Ngọc sáng lên: “Đúng là phải tìm một lối khoán hợp lý hơn. Nếu giao ruộng cho xã viên rồi khoán sản lượng họ phải nộp cho hợp tác xã, còn lại bao nhiêu mình hưởng, ông thấy thế nào?”. Ông Sen mừng rỡ: “Nếu được thế chắc chắn năng suất sẽ lên”. Ông Kim Ngọc lại hỏi: “Ông có dám làm thử không?”. Ông Sen ngập ngừng, ông Kim Ngọc nói ngay: “Ông sợ là phải. Đến như tôi là bí thư tỉnh ủy mà phải còn cân nhắc nữa là. Nhưng tôi sợ, ông sợ, mọi người đều sợ rồi để mặc nông dân chết đói hả ông?”. Câu nói ấy của ông Kim Ngọc khiến ông Sen như bừng tỉnh, ông hứa nếu tỉnh ủy giao cho hợp tác xã của ông làm thí điểm thì ông sẵn sàng.

Nghị quyết 68 đề ra nhiều cách khoán như: a) Khoán cho hộ làm một khâu hoặc nhiều khâu sản xuất trong một thời gian dài. b) Khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ. c) Khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm. d) Khoán trắng ruộng đất cho hộ. Hình thức khoán trắng đơn giản, dễ tính toán nên được nông dân hưởng ứng rầm rộ và tự nó đã thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Có thể nói khoán hộ là bước mở đầu cho một tư duy mới về quản lý kinh tế hợp tác xã. Nông dân Vĩnh Phúc nói gì sau khi có chủ trương khoán hộ?

Ông Bảo, người xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, vốn là một đội trưởng sản xuất thời trước và sau khoán hộ, năm nay đã 75 tuổi, kể: “Ngày ấy đói nghèo mà không hiểu vì sao mình lại đói nghèo. Hết ngày này sang ngày khác lăn trên đồng ruộng vẫn không đủ ăn. Chủ trương, chính sách, nguyên tắc điều lệ mình làm đúng răm rắp mà đói vẫn hoàn đói.

Một lần nghe nói trên Ninh Xá đang thu hoạch vụ khoai tây, tôi vơ vét mấy đồng xu còm cõi lên mua một ít về cứu đói cho gia đình. Tôi mua được chừng vài ba chục cân, nhưng khi vừa ra khỏi làng thì bị một đám học sinh chặn lại. Tôi tưởng chúng nó đùa. Đâu ngờ người ta thuê học sinh nếu bắt được ai mua lương thực của xã đưa ra khỏi địa phương đem nộp thì được thưởng. Tôi dở khóc dở mếu dắt xe đạp và chiếc sọt không về nhà. Đến khi có nghị quyết 68 ban xuống mới biết lâu nay mình làm như một cái máy”.

Ông Bảo lại cười rồi nói tiếp: “Cái anh khoán hộ ra đời chẳng khác gì thang thuốc cải tử hoàn sinh, không những chấm dứt được cái đói giáp hạt mà chỉ mấy vụ sau đó nhà nào thóc cũng chất đầy bồ. Bà con nông dân chúng tôi suốt đời không thể nào quên ơn này của ông Kim Ngọc. Sau này trung ương cấm khoán hộ nhưng bà con chúng tôi vẫn khoán chui. Cơm xúc vào bát rồi làm sao đổ đi được”.

Nghe ông Bảo nói tôi bỗng nhớ lại hai câu của các em bé bán báo treo ở nhà ông Kim Ngọc: “Ruộng đất cho đời công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”.

"Mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng trải qua hai vụ sản xuất với hình thức khoán mới, nền nông nghiệp Vĩnh Phúc đã có bước tiến vượt bậc. Xin dẫn ra những con số sau đây để nhớ đến ơn người đã dám vượt lên chông gai vất vả đem lại no ấm một thời cho bà con nông dân. Năm 1967 tuy chiến tranh ác liệt, hạn hán kéo dài nhưng toàn tỉnh đã có hai huyện, 46 xã và 160 hợp tác xã (hơn 70% số hợp tác xã) đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha. Trong đó có bảy xã, 23 hợp tác xã đạt trên 6 tấn, bốn hợp tác xã đạt trên 7 tấn. Tổng sản lượng quy thóc năm 1967 toàn tỉnh đạt 222.000 tấn, tăng hơn năm 1966 là 4.000 tấn. Tổng đàn lợn có 307.000 con, tăng 20% so với năm 1966 và 38% so với năm 1965."

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc

Vân Thảo

[Trở về]

Ý kiến của bạn
 

Họ tên * Email 

Tiêu đề * Mã xác nhận *

Nội dung * (Không quá 100 ký tự, Tiếng Việt có dấu)

 

 

 

go to top